
Sinh viên và giảng viên tại hội thảo
ẢNH: MỸ QUYÊN
Tham dự có gần 100 học giả với những nghiên cứu và thảo luận ở phạm vi rộng, từ hiện tượng văn hóa - xã hội trên mạng xã hội, ứng dụng công nghệ gắn kết cộng đồng, đến xu hướng truyền thông số, kinh tế, công nghệ ảnh hưởng đến ngành truyền thông.
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nhận định: "Khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng, truyền thông đã nổi lên như một yếu tố thiết yếu của sự tiến bộ. Sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội, trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ đột phá khác tiếp tục định hình lại xã hội của chúng ta, thay đổi cách chúng ta tương tác, hợp tác và hiểu nhau".
Theo PGS-TS Mỹ Diệu, Việt Nam có dân số trẻ am hiểu công nghệ và quá trình số hóa nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, nên đang trải qua một cuộc cách mạng truyền thông ở quy mô chưa từng có.
"Bối cảnh truyền thông mới này đòi hỏi khả năng thích ứng, tư duy phản biện và ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội từ cả các chuyên gia truyền thông và công chúng nói chung", bà Diệu chia sẻ.

Sinh viên ngành truyền thông cần có khả năng thích ứng, tư duy phản biện và ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay
ẢNH: MỸ QUYÊN
Tiến sĩ Triệu Thanh Lê, Trưởng khoa Báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định báo chí và các hoạt động truyền thông góp phần tạo thay đổi tích cực, ngược lại cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
"Chính vì thế, trong quá trình đào tạo, ở các môn đại cương, chúng tôi trang bị cho sinh viên kiến thức về môi trường và phát triển, nhân học, kinh tế, các vấn đề toàn cầu... Khi học chuyên ngành, sinh viên được khuyến khích thực hiện các đồ án, phát hiện về các vấn đề nổi cộm trong xã hội và đưa ra giải pháp. Ngoài ra, các em được tham gia dự án của các tổ chức phi chính phủ để phát triển kỹ năng về truyền thông, có nhận thức về vai trò của truyền thông trong sự phát triển của các vấn đề trong xã hội", tiến sĩ Thanh Lê thông tin.
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại Học viện Ngoại giao, cũng nhấn mạnh việc cho sinh viên ngành truyền thông tham gia các dự án thực tế về bình đẳng giới, văn hóa… sẽ giúp sinh viên có những hiểu biết và nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa truyền thông và sự phát triển tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.