Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổng doanh số bán hàng của các thành viên, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115.651 xe các loại, giảm 6% so với cùng kỳ 2023. Còn tổng doanh số bán hàng toàn thị trường (bao gồm doanh số bán của các thành viên VAMA và số liệu nhập khẩu xe nguyên chiếc của các đơn vị không phải là thành viên) đạt 137.337 xe các loại, giảm 2% so với cùng kỳ 2023.
Báo cáo bán hàng của Liên doanh Huyndai Thành Công cho biết, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp này đạt doanh số bán 24.381 xe, giảm 13% so với cùng kỳ 2023. Còn Báo cáo của Công ty Vinfats cho biết, doanh số bán xe 6 tháng đầu năm đạt gần 22.000 xe, tăng 92% so với cùng kỳ 2023.
Ước tính doanh số bán ô tô toàn thị trường nửa đầu năm 2024 khoảng 200.000 xe các loại. Con số này tương đương với doanh số bán nửa đầu năm 2023 và thấp xa so với 6 tháng đầu năm 2022 đạt 250.000 xe các loại.
Sức mua yếu, bất chấp mọi nỗ lực kích cầu, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Không khí buồn tẻ vẫn đang bao trùm toàn thị trường. Nhiều doanh nghiệp ô tô đang ngập trong khó khăn. Các thương hiệu có doanh số bán xe lớn như: Toyota, Huyndai, Kia, Mazda hiện vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm.
Trước khó khăn của ngành ô tô, từ cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trình Chính phủ vào tháng 5/2024. Giảm lệ phí trước bạ kỳ vọng sẽ giúp thị trường ô tô thoát khỏi khó khăn. Nhiều dự đoán cho rằng, ô tô trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ từ 1/7/2024 kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, Bộ Tài chính mới có văn bản gửi Bộ Tư pháp, xin ý kiến thẩm định dự án Nghị định thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi trình Chính phủ.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra đó là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.
Nếu không có các giải pháp hỗ trợ, thị trường ô tô khó thoát khỏi suy thoái. Dự báo của các doanh nghiệp cho biết, doanh số bán ô tô toàn thị trường năm 2024 chỉ khoảng 420.000 xe các loại, tương đương với năm 2023 và thấp xa so với con số 520.000 xe của năm 2022.
Sau khi đạt quy mô hơn 520.000 xe vào năm 2022, các doanh nghiệp đã kỳ vọng thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng tới con số trên 600.000 xe vào năm 2023 và khoảng 700.000 xe vào năm 2024. Tuy nhiên, thực tế lại đảo ngược, năm 2023 thị trường ô tô giảm 23%, đưa quy mô giảm chỉ còn khoảng 420.000 xe và năm 2024 dự báo cũng chỉ duy trì ở ngưỡng như năm 2023.
Cách đây vài năm, Bộ Công thương đã đưa ra dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 800.000 xe vào thời điểm cuối năm 2025. Tuy nhiên, xét trên thực tế đang diễn ra, có thể khẳng định dự báo này khó thành hiện thực.
Các doanh nghiệp rất kỳ vọng quy mô thị trường ô tô tăng cao, sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Chuẩn bị cho cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch đầu tư để đáp ứng. Tuy nhiên, kịch bản lại không như mong đợi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất ô tô trong nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 144.000 xe, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. Với đà này, ước tính sản lượng ô tô sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 350.000 xe cả năm 2024. Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại. Nếu sản xuất vẫn tăng trưởng “giật lùi” thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn.