>> Cơ hội cho ô tô điện chuyên chở học sinh
Hyundai County và Ford Transit hiện là hai mẫu xe được sử dụng phổ biến để đưa đón học sinh trên cả nước. Ford Transit là xe chở khách 16 chỗ ngồi, Hyundai County là xe chở khách 29 chỗ ngồi, được chia thành 2 loại thân ngắn và thân dài. Ngoài ra, một số trường học sử dụng xe chở khách 45 chỗ như Hyundai Universe…
Với những học sinh mầm non và tiểu học dưới 12 tuổi, cơ thể còn nhỏ, nên dây đai an toàn thiết kế cho ô tô chở khách không phù hợp. Nhiều xe được trang bị cửa kính liền và cửa lên xuống điều khiển điện. Tuy có trang bị búa phá kính, nhưng với học sinh mầm non và tiểu học không đủ nhận thức phù hợp để sử dụng búa này thoát hiểm. Xe cũng không có màu sắc đặc trưng, cùng với hệ thống đèn cảnh báo các phương tiện khác, không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Những xe này không lắp đặt cảnh báo (Como), khi còn người trên xe sẽ có kêu. Trong khi đó, các em nhỏ trong thường hiếu động, rất dễ ngủ quên và chưa có kĩ năng bảo vệ an toàn. Vì vậy, những xe này không đảm bảo an toàn chuyên chở học sinh nhất là với học sinh mầm non, tiểu học.
Không những thế, nhiều xe dùng để chở học sinh lại quá cũ, vừa ô nhiễm môi trường, vừa nguy hiểm đến tính mạng. Đã từng có sự việc đau lòng xảy ra tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vào ngày 22/11/2021, trên quốc lộ 12 đoạn qua bản Mâm, xã Chiềng Sơ. Chiếc xe đưa đón học sinh 16 chỗ đang chở các em về nhà thì bất ngờ rơi cánh cửa, khiến 4 học sinh bị văng ra ngoài. Hậu quả là 1 học sinh lớp 9 Trường THCS Chiềng Sơ tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương.
Nhìn sang nước Mỹ mới thấy, quy định về xe chuyên chở học sinh đã được áp dụng từ năm 1940. Xe buýt chở học sinh có mẫu riêng và có màu sắc dễ nhận biết, để các phương tiện khác nhìn thấy chủ động nhường đường. Hệ thống xe buýt chở học sinh tại Mỹ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về an toàn như gương chiếu hậu lớn dễ quan sát và có tay báo dừng, chỗ ngồi an toàn, tiêu chuẩn chịu lực cao và các tính năng bảo vệ trong trường hợp lật…
Ngoài ra, xe phải có một hệ thống thắt dây an toàn riêng biệt. Chẳng hạn xe buýt chở học sinh nhỏ phải được trang bị dây đai ngang bụng hoặc thắt lưng và vai. Hệ thống đèn nhấp nháy, thường có hai màu vàng và đỏ. Đèn vàng cho biết xe buýt đang chuẩn bị dừng lại, lưu ý cho các xe lưu thông trên đường phải giảm tốc và chuẩn bị dừng.
Cho đến nay, dù nước Mỹ rất phát triển, nhưng xe buýt chở học sinh nhìn có vẻ rất cũ kỹ và lạc hậu. Không có các trang bị hiện đại như kính liền, cửa điện. Thay vào đó vẫn dùng cửa kính trượt, dễ mở, dễ đập. Cửa lên xuống là dạng cơ nén khí, dễ dàng mở được từ bên trong khi đã khóa. Xe có nhiều nút bấm báo động, liên lạc khẩn cấp từ bên trong tới nhà trường và cảnh sát, có camera giám sát.
Học sinh đăng ký sử dụng xe buýt được nhà trường tổ chức đào tạo kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu bản thân cơ bản từ lớp mầm non.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị này đang chủ trì soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, trong đó có xe chở học sinh. Dự kiến 2 tháng nữa sẽ ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe chở khách cho biết, thời gian qua đã nghiên cứu thiết kế xe chuyên dụng dành riêng chở học sinh. Từ tham khảo những quy định, tiêu chuẩn dành cho xe chuyên chở học sinh của một số quốc gia, có thể cho ra mắt những mẫu xe chuyên dụng, chở học sinh, phù hợp với từng cấp học. Hiện đang chờ đợi các cơ quan chức năng ban hành những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, để thực hiện.
Tại Việt Nam hiện có hơn 20 triệu học sinh các cấp. Xu hướng các bậc phu huynh lựa chọn xe tuyến của nhà trường, để đưa đón con em đi học hàng ngày, ngày càng tăng. Việc đặt ra những quy định nghiêm ngặt cho xe chuyên chở học sinh là cần thiết, để đảm bảo an toàn. Qua đó, cũng mở ra phân khúc mới trên thị trường ô tô và mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp.