>> Gần Tết, nhiều mẫu ô tô giảm giá hàng trăm triệu đồng, xả hàng
“Chợ chiều đìu hiu”
Không khí buồn tẻ bao trùm nhiều đại lý ô tô tại Hà Nội những ngày cuối năm Quý Mão âm lịch. Đây có lẽ là khung cảnh chưa từng xảy ra trong nhiều năm, kể cả những năm có dịch Covid.
Tại đại lý Toyota Mỹ Đình, sáng 24/1 trong thời tiết lạnh giá 10 độ C, không có một bóng khách hàng, chỉ có khách mang xe đến làm dịch vụ. Nhân viên bán hàng cho biết, từ đầu tuần khi thời tiết lạnh giá, khách đến xe rất thưa thớt. Mấy ngày nay không chốt được hợp đồng nào. Một số khách đến xem xe rồi cũng lặng lẽ ra về. Theo nhân viên này, đa số những khách hàng có nhu cầu mua ô tô, đã mua hết vào tháng 12/2023 rồi, khi còn được nhận hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, nên nay nhu cầu không còn nhiều. Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán những năm trước, mỗi ngày tôi chốt được từ 2-4 hợp đồng thì năm nay cả tuần được có 2 cái.
Tại đại lý ô tô Kia, Phạm Văn Đồng, trong buổi sáng 24/1, lượng khách đến đại lý cũng gần như không có. Kinh tế khó khăn, người dân không có tiền, cộng với thời tiết lạnh giá, nên khách chẳng tìm đến đại lý, một nhân viên bán hàng cho biết.
Các đại lý của Hyundai, Honda, Mitsubishi, Mazda…cũng rơi vào cảnh “chợ chiều đìu hiu” tương tự. Nhân viên ngồi cả buổi chờ mà không thấy khách hàng qua xem xe.
Mặc dù, xe sản xuất lắp ráp trong nước không còn được hỗ trợ 50% phí trước bạ nữa, nhưng các hãng xe và đại lý đã tung ra nhiều chương trình khuyễn mãi, ưu đãi lớn, giảm tiền mặt trực tiếp vào giá bán xe trong tháng 1/2024 để kích cầu. Trên thị trường hiện nay, có nhiều mẫu ô tô từ xe sang đến bình dân, được giảm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Đây là mức giá khá tốt, khách hàng mua xe sẽ được hưởng lợi. Vậy nhưng, thời điểm này, số người mua xe vẫn thấp kỷ lục, kể từ 10 năm trở lại đây.
Trước tình cảnh này, một số đại lý ô tô đã áp dụng chính sách nghỉ luân phiên dành cho nhân viên bán hàng. Ngay từ đầu tháng 1/2024, nhận thấy nhu cầu thấp, một số đại lý đã cho các nhân viên bán hàng thay nhau nghỉ 3 ngày mỗi tuần. Do số lượng khách hàng mua xe không nhiều, nên không cần nhiều nhân viên làm việc trực tiếp, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí hoạt động.
Làm việc luân phiên thì sẽ tiết kiệm được chi phí hoạt động cho đại lý, nhưng nhân viên kinh doanh sẽ khó khăn, doanh số giảm, lương thưởng sẽ giảm theo, một nhân viên bán xe cho biết.
Kịch bản lặp lại?
Theo Giám đốc một đại lý bán xe Hyundai tại quận Bắc Từ Liêm, cả năm 2023 do nhu cầu thấp, đã chấp nhận “đại hạ giá” tất cả các mẫu xe, hầu như không còn lãi, hy vọng gần Tết doanh số bán tăng bù lại nhưng lại còn thê thảm hơn.
Không chỉ đẩy mạnh giảm giá, “khuyến mãi khủng”, nhiều hãng xe còn đẩy nhanh việc đưa sản phẩm mới ra mắt, mong tạo cú hích cho thị trường ô tô vào dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cũng không ăn thua, không tài nào “kích” được nhu cầu lên. Gần Tết mà nhu cầu còn thấp như vậy, khi Tết qua đi, bước sang tháng giêng, tháng hai và tháng ba âm lịch, chắc nhu cầu còn giảm thấp nữa. Nghĩ đến lại thấy lo lắng, vị giám đốc này nói.
Hiện tại nguồn doanh thu của hầu hết các đại lý ô tô, đều dựa vào dịch vụ sửa chữa là chính, còn phần bán xe mới đang gặp khó khăn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng ô tô lắp ráp trong nước năm 2023 đạt 347.400 xe các loại, còn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 117.800 xe các loại. Tổng nguồn cung ô tô năm 2023 là 465.200 xe các loại. Trong khi đó, tổng doanh số bán toàn thị trường, đạt khoảng 400.000 xe. Ước tính, tồn kho vào khoảng 65.000 xe. Tồn kho cao trong khi nhu cầu thấp, nên kinh doanh ô tô gặp khó khăn lớn.
Giới kinh doanh ô tô nhận định, nhu cầu yếu sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Kịch bản có thể sẽ lặp lại giống như năm 2023. Tức là xe tồn kho nhiều, để lâu ngày không bán được, phải “đại hạ giá”, “khuyến mãi khủng” xả hàng. Nhất là với những xe tồn từ đầu năm 2023, sau 1 năm chất lượng giảm, phải chấp nhận hạ giá hàng trăm triệu đồng. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp ô tô cho biết, sẽ giảm sản xuất lắp ráp và nhập khẩu để tránh bị tồn kho cao.