Thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên với “bầu sữa công nghệ”, tiếp cận không gian mạng sớm, trong khi các bậc phụ huynh khi trưởng thành mới bắt đầu tiếp cận. Do đó có những rủi ro cha mẹ không thể kiểm soát và định hướng cho con cái.
Hiện nay, không gian mạng, internet đã trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em là những đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trên không gian mạng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, dân số Việt Nam đạt khoảng 100,3 triệu người, trẻ em chiếm gần 1/4 dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận với các thiết bị có kết nối internet. Việc trẻ em tiếp xúc sớm, sử dụng internet cho nhiều mục đích làm gia tăng tỷ lệ trẻ em gặp các vấn đề rủi ro trên mạng.
Mặc dù cơ quan chức năng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đội ngũ kỹ sư an ninh mạng luôn nỗ lực làm sạch không gian mạng, nhưng trang bị kỹ năng số, nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ được nhận định là giải pháp căn cơ, cốt lỗi, bền vững.
Theo số liệu Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), năm 2023 có hơn 533.200 báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng liên quan tới Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Philippines) về những cảnh báo mất an toàn trên không gian mạng đối với trẻ em. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trên không gian mạng.
Chị Nguyễn Hồng Ánh, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Trên mạng có rất nhiều tài liệu, thông tin về rủi ro trên không gian mạng, đặc biệt rủi ro cho trẻ em. Các phương tiện thông tin đại chúng nêu rất nhiều mặt trái của việc trẻ tham gia không gian mạng. Tuy nhiên, để kiểm soát sự an toàn cho trẻ em trên môi trường là không dễ dàng khi bản thân người lớn chúng tôi đôi khi còn chưa biết tự giữ an toàn cho mình”.
Anh Lê Tiến Long, quận Đống Đa bày tỏ: “Nếu có một tài liệu hướng dẫn với thông tin chi tiết, cụ thể, tổng hợp, dễ hiểu sẽ rất tiện dụng cho gia đình, nhà trường tham khảo để không chỉ nâng cao hiểu biết cho bản thân, còn có thể hỗ trợ trẻ em tự bảo vệ mình trên không gian mạng”.
“Người lớn” phải chung tay
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên với “bầu sữa công nghệ”, tiếp cận Internet sớm, trong khi các bậc phụ huynh khi trưởng thành mới bắt đầu tiếp cận. Do đó có những rủi ro cha mẹ không thể kiểm soát và định hướng cho con cái.
Do đó, bên cạnh cha mẹ, sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ, nền tảng dịch vụ mạng, cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết để hình thành nên bàn tay “thép” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo nhiều chuyên gia, công tác bảo vệ trẻ em cần tập trung vào ba định hướng chính: Triển khai các hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em;
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng: trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
Trong đó, việc triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em cần có sự tham gia từ chính các doanh nghiệp công nghệ, sự chung tay hỗ trợ từ các nhà mạng. Đồng thời cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ cơ quan quản lý về cách thức thực thi, cũng như kêu gọi sự tham gia từ các tổ chức bảo vệ trẻ em, nhà trường và cả gia đình.
Cẩm nang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng 2024
Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt tài liệu “Cẩm nang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng 2024”. Đây là một trong số những giải pháp quan trọng mà Cục An toàn thông tin triển khai nhằm tăng cường kỹ năng số cho thế hệ công dân số của Việt Nam.
Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021.
Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, về cơ bản, nội dung của cẩm nang được biên soạn rất cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng tiếp nhận chính là trẻ em. Tuy nhiên, để cẩm nang phát huy tác dụng, với trẻ dưới 6 tuổi, cần có sự góp sức của gia đình. Tức là cha mẹ, người lớn sẽ tham khảo cẩm mang và trao đổi với trẻ.
Mỗi ngày một ít thông tin để trẻ “ngấm dần”. Trẻ tiếp nhận thông tin từ nhỏ sẽ có thói quen, nhận thức sớm về an toàn thông tin, từ đó hình thành nên phản xạ, kỹ năng số. Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, cần sự hỗ trợ của thầy cô, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung tay tăng cường nhận thức cho trẻ về bảo mật thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia môi trường mạng.
“Chúng tôi khuyến khích các giáo viên xây dựng các chương trình hỏi đáp, câu hỏi lựa chọn, khảo sát… để kiểm tra kết quả về nhận thức an toàn thông tin của trẻ. Việc tổ chức các trò chơi, cuộc thi… về chủ đề an toàn thông tin cho trẻ là cách làm tăng tương tác, hiệu quả để trẻ tiếp nhận được thông tin”, ông Nguyễn Phú Lương cho biết.
Đại diện Cục An toàn thông tin kỳ vọng cẩm nang này sẽ trở thành tài liệu thiết yếu, giúp phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ nắm bắt kiến thức mới, kỹ năng cơ bản để hỗ trợ trẻ em tham gia môi trường mạng một cách tự tin và an toàn, từ đó giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực mà internet có thể gây ra.
Hiện, bộ cẩm nang được Cục An toàn thông tin cung cấp miễn phí đến toàn thể phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm tại địa chỉ: https://vn-cop.vn/cnbvte2024. Bộ cẩm nang gồm 5 phần, được trình bày đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo.
Phần thứ nhất là “Cẩm nang chung” với các thông tin cơ bản về internet, lợi ích, rủi ro trên môi trường mạng với trẻ em, một số khái niệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn trẻ em cách thức phản ánh khi phát hiện nội dung độc hại, nội dung không phù hợp đối với mình.
Phần hai là “Cẩm nang cho trẻ dưới 6 tuổi” cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dưới 6 tuổi. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn “Ươm mầm”, là thời điểm trẻ mới bắt đầu tiếp cận với internet dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của gia đình, cha mẹ, thầy cô.
Phần ba là “Cẩm nang cho trẻ từ 6 tới 11 tuổi” với nội dung cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Phần nội dung này gồm: Hướng dẫn dành cho trẻ em hình thành các kỹ năng ban đầu; hướng dẫn và lời khuyên dành cho phụ huynh để hỗ trợ con một cách hiệu quả.
Tiếp theo là phần “Cẩm nang cho trẻ từ 11 tới 16 tuổi” cung cấp các nguyên tắc bảo vệ trẻ em từ 11 đến 16 tuổi. Đây là “Giai đoạn tiền trưởng thành ” - lứa tuổi trẻ em đã bắt đầu sử dụng internet một cách độc lập.
Phần cuối cùng của tài liệu là một số công cụ, phần mềm hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với nội dung giới thiệu, cập nhật các công cụ cập nhật kiến thức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các công cụ hỗ trợ phụ huynh kiểm soát truy cập sử dụng internet trong nước và quốc tế.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...