Cần nói ngay, Wattpad là trang truyện cộng đồng trên internet. Thành viên có thể đăng tải trực tiếp những truyện ngắn, bài thơ lên ứng dụng này. Nhiều người đã có cách sáng tạo câu từ tạo nên nhiều câu văn bay bổng, hoa mỹ… Và rồi, trend "Wattpad không nói" đã xuất hiện.
Chẳng hạn với nội dung "anh yêu em", nhiều người sẽ không viết một cách trực tiếp là "anh yêu em". Thay vào đó, trên Wattpad, người viết sẽ diễn giải một cách mỹ miều, rằng: "Nếu trái tim này biết nói, nó sẽ chỉ gọi tên riêng em mà thôi".
Hay câu nói "ai rồi cũng được yêu", khi xuất hiện trên Wattpad sẽ là "em không cần lo lắng về tình yêu. Chỉ cần em tồn tại, em sẽ được yêu"…
Trào lưu này đã nhanh chóng được người trẻ "bắt sóng" và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Threads, TikTok… Không khó để bắt gặp trên Facebook những dòng trạng thái như: "Wattpad không nói: "Ánh trăng làm tôi cảm thấy xúc động". Wattpad nói: "Mỗi lần ánh trăng soi sáng, tâm hồn tôi lại dạt dào những cảm xúc lạ kỳ, như thể từng tia sáng đều thấm vào từng ngóc ngách của trái tim". Hay: "Wattpad không nói: "Ký ức của quá khứ vẫn còn quan trọng với tôi". Wattpad nói: "Ký ức của những ngày xưa cũ luôn như những viên ngọc quý, lấp lánh trong trí nhớ, dù thời gian có làm mờ dần sắc thái của chúng"…
Tương tự, trên TikTok, nhiều TikToker cũng làm các video để hưởng ứng trào lưu này. Những video "Wattpad không nói", "Wattpad nói" thu hút đông đảo lượt xem.
Thêm yêu tiếng Việt, nhưng...
Nguyễn Thị Hòa Vân, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Trào lưu này rất thú vị. Việc so sánh cách diễn đạt thông thường với ngôn từ bay bổng khiến câu văn hay và mượt mà hơn rất nhiều. Khi đọc cảm thấy rất thích. Bản thân mình cũng có tham gia trào lưu này".
Lê Nguyên Đăng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kể: "Từ những câu văn đơn giản, nhưng khi nói một cách mỹ miều sẽ dễ đi vào lòng người hơn. Khi đó, câu văn không còn khô khan mà có cảm xúc vô cùng". Nam sinh này cũng nói thêm: "Không riêng mình mà nhiều người bạn cũng thấy thích thú trào lưu "Wattpad không nói", "Wattpad nói". Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng thấy những video, bài viết bắt trend này".
Cũng có những ý kiến cho biết, nhờ trào lưu này đã khiến họ thêm yêu tiếng Việt, thích việc đọc và mê viết lách hơn. Tác giả trẻ Lê Đăng Quang (27 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, cho biết: "Từ trào lưu "Wattpad không nói", "Wattpad nói" cho thấy sự đa dạng của ngôn ngữ. Cùng một ý tưởng, nhưng có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Khi đọc cảm thấy sự lãng mạn. Mình cũng đang học hỏi cách biểu đạt ấy để lồng ghép vào những tác phẩm".
Theo cô Lê Thụy Sơn, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Phạm Văn Đồng (tỉnh Đắk Lắk), trào lưu "Wattpad không nói", "Wattpad nói" khá thú vị. Qua trào lưu này có thể thấy vẻ đẹp của tiếng Việt, cách sử dụng ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Người trẻ, đặc biệt là học sinh, có thể thêm yêu môn ngữ văn. "Bản thân tôi khi đọc nhiều câu của dân mạng cũng nhận ra cách diễn đạt mới mẻ và đầy sáng tạo", cô Sơn nói.
"Tuy nhiên, cần lưu ý chuyện mọi câu chữ phải tự suy nghĩ, sáng tạo ra. Không thể dựa vào những câu thơ, đoạn văn của người khác rồi "chế" lại, tự diễn giải theo ý của mình. Khi đó, trào lưu này sẽ trở nên tích cực hơn", cô Sơn nói thêm.
Cũng từ trào lưu này đã cho ra đời nhiều biến thể khác không kém phần hài hước. Như Đỗ Bảo Anh, sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) viết: "Ông chủ nhà trọ không nói "đóng tiền phòng đi". Ông chủ nhà trọ nói "hình như sắp hết tháng rồi nhỉ, để chú xem tiền điện, tiền nước là bao nhiêu rồi sẽ làm phiếu báo".
Hay Nguyễn Đỗ Bảo Vương (28 tuổi), làm việc ở Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), chia sẻ trên Facebook: "Sếp mình không nói "lo tập trung làm việc đi". Sếp mình chỉ nói: "công ty trả lương nhưng nhiều nhân viên khá chểnh mảng, lơ là trong công việc, cũng chẳng biết nên nói với họ như thế nào"…