Theo AP, các ứng viên Tổng thống Mỹ đang khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sớm để họ có thể tập trung nguồn lực thuyết phục các cử tri còn do dự bỏ phiếu cho mình vào phút cuối.
Tính tới ngày 22/10 (theo giờ Mỹ), gần 19 triệu cử tri nước này đã bỏ phiếu sớm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đang phá vỡ kỷ lục ở các tiểu bang dao động như Georgia và Bắc Carolina.
Đảng Cộng hòa hy vọng đợt bỏ phiếu sớm này sẽ khắc phục được sự cố trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và các cuộc đua quan trọng vào năm 2022.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2020, đảng Cộng hòa đã làm rất tốt điều đó trước khi ông Trump phản đối việc bỏ phiếu trực tiếp và bỏ phiếu qua thư sớm đồng thời thuyết phục những người ủng hộ đợi đến Ngày bầu cử mới bỏ phiếu.
Tuy nhiên, trong năm nay, ở một động thái khác, đảng Cộng hòa đang hối thúc cử tri đi bỏ phiếu sớm. Ngay cả cựu Tổng thống Trump cũng khuyến khích hành động này.
"Tôi kêu gọi mọi người hãy bỏ phiếu sớm", ông Trump đã phát biểu trong một chương trình podcast tuần trước.
Theo nghiên cứu của AP, Đảng Cộng hòa dường như đang có nhiều thay đổi. Tại bang Nevada, đảng Dân chủ trong nhiều thập kỷ đã dựa vào cuộc bỏ phiếu sớm để "nắm phần thắng" trước khi bước vào Ngày bầu cử chính thức thì năm nay, số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm của đảng Cộng hòa được thống kê nhiều hơn đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn ứng viên nào sẽ nhận được nhiều ủng hộ hơn. Các nhà quan sát vẫn cho rằng những lá phiếu sớm "chưa nói lên được điều gì" và kết quả cuộc đua năm nay vẫn rất khó đoán định.
Chương trình bỏ phiếu vẫn còn thời gian. Tiểu bang dao động cuối cùng trong 7 tiểu bang là Wisconsin, cũng đã bắt đầu bỏ phiếu sớm vào sáng 22/10.
"Theo như tôi biết, đảng Dân chủ vẫn đang tích lũy nhiều phiếu bầu sớm. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với số phiếu bầu sớm trong năm nay ", Michael McDonald, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Florida, người theo dõi cẩn thận cuộc bỏ phiếu sớm cho biết.
Rõ ràng, việc quay trở lại bỏ phiếu sớm của lưỡng đảng có thể tạo ra bước ngoặt. Bang bắc Carolina và Georgia đều báo cáo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục vào ngày đầu tiên, bất chấp sự tàn phá do cơn bão Helene gây ra. Các bang khác như Nam Carolina cũng ghi nhận kỷ lục riêng khi mở cửa bỏ phiếu sớm vào ngày 21/10.
Tỷ lệ cao cử tri đi bỏ phiếu sớm
Tỷ lệ bỏ phiếu qua thư của cử tri Cộng hòa đã cải thiện ở một số tiểu bang nhưng vẫn thấp hơn so với đảng Dân chủ.
Tính đến ngày 22/10, cử tri đảng Dân chủ đã gửi rất nhiều lá phiếu qua thư, ước tính hơn 350.000 phiếu so với đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa đang thu hẹp khoảng cách bằng cách bỏ phiếu trực tiếp sớm ở hầu hết các tiểu bang cạnh tranh.
Dù nhiều năm các ý kiến lên tiếng chỉ trích về việc bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua thư, nhưng tại một sự kiện vào tuần trước, tỷ phú Elon Musk cũng đã lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Trump và kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu sớm.
Một số nhà phân tích nhận định đảng Cộng hòa có thể đang muốn cân bằng về số phiếu bầu sớm.
Sức mạnh của việc bỏ phiếu sớm sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của cả cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris năm nay.
Phó Tổng thống Harris và những người ủng hộ đã đi khắp đất nước trong tuần này, tập trung vào các tiểu bang chiến trường quan trọng nơi kỳ bỏ phiếu sớm đã bắt đầu hoặc sắp bắt đầu. Người đồng hành tranh cử của bà, Thống đốc Minnesota Tim Walz, đã đến Bắc Carolina vào ngày đầu tiên của kỳ bỏ phiếu sớm tại bang này, trong khi chồng bà, ông Doug Emhoff cũng có mặt tại Georgia để kêu gọi cử tri xuất hiện tại điểm bầu cử.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự. Chuyến thăm Georgia mới nhất của cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 15/10 trùng với thời điểm bắt đầu bỏ phiếu sớm tại bang này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội mới đây, ông Trump cũng kêu gọi người dân Arizona đi bỏ phiếu "ngay lập tức" trong tuần sau đó.
"Dù việc bỏ phiếu sớm không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng là cơ sở để các ứng viên có thể theo dõi những người đã bỏ phiếu. Từ đó, các ứng cử viên có thể tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp hai ứng viên nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu", ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton (Mỹ) nhận định