Nhiều học sinh bị đa chấn thương nặng do pháo nổ tự chế

09:24 - 08/01/2025

Cứ tới thời điểm cận Tết, lại xảy ra rất nhiều vụ tai nạn pháo nổ, trong đó nạn nhân đa phần là học sinh còn nhỏ tuổi, thanh, thiếu niên có tính tò mò đã tự chế tạo pháo.

Nhiều học sinh bị đa chấn thương nặng do pháo nổ tự chế

 

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đã tiếp nhận cấp cứu cho nam bệnh nhân M.Q.Đ., (16 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bị thương do tai nạn pháo nổ.

Bố của bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân chơi pháo ở nhà thì pháo nổ dẫn đến tổn thương vùng mặt, cẳng chân trái, cẳng tay phải. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán sơ cứu, chăm sóc vết thương bỏng rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

BSCKI. Nguyễn Quốc Lữ, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, kêu đau 2 mắt, đỏ rát.

Các bác sĩ đã tiến hành xử trí cấp cứu, lấy dị vật kết giác mạc, giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, về nguy cơ bệnh nhân có thể bị co rút sẹo do bỏng, cần theo dõi, tập vật lý trị liệu và khám mắt theo hẹn. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – Bỏng để tiếp tục được điều trị.

Đáng lưu ý, bệnh nhân bị bỏng giác mạc, nguy cơ giảm thị lực cao. Các bác sĩ đang tiến hành điều trị để tránh nhiễm trùng, bớt phù nề và tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời gian gần đây cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ.

Cụ thể như bệnh nhân N.H.H., 14 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Bác sĩ Hồ Quốc Bảo, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2-3 (độ 4 là nặng nhất) khoảng 45% diện tích cơ thể (gồm vùng đầu mặt, thân mình, 2 tay, 2 chân, bộ phận sinh dục, bỏng mi mắt và bỏng giác mạc độ 1). Bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ để cắt lọc vết bỏng dập nát 2 bàn tay, cẳng tay, 2 chân và vùng môi.

Do tình trạng bệnh rất nặng nên bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức để được chăm sóc đặc biệt. Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị bù dịch tích cực, dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, giảm đau, chăm sóc vết bỏng. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nặng. Do diện tích bỏng rộng nên khả năng nhiễm trùng cao, mất nước.

Theo bác sĩ Bảo, các bác sĩ đang theo dõi sát sao diễn tiến của bệnh nhân H. Khả năng bệnh nhân sẽ phải nằm viện điều trị dài ngày. Sau này nếu bệnh nhân xuất viện cũng sẽ để lại sẹo, co rút cơ do bỏng sâu, diện tích bỏng rộng, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng vận động của bệnh nhân tùy vùng cơ co rút.

Tương tự, bệnh nhân P.N.K., (14 tuổi, ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai) cũng phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Một số ngón tay trên bàn tay phải của bệnh nhân dập nát, tổn thương mô mềm.

Trước đó, bệnh nhân N.V.S., (14 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Đây được xem là trường hợp nghiêm trọng vì bệnh nhân bị pháo nổ dập nát bàn tay, cụt 2,5 ngón tay của bàn tay trái kèm theo vết thương bụng, ngực.

BSCKII. Phạm Văn Khương – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nhiều năm trước, tai nạn pháo nổ thường xảy ra vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, tai nạn pháo nổ xảy ra quanh năm, cao điểm là những ngày cận Tết, trong, sau Tết.

Hậu quả của vết thương hỏa khí khá nghiêm trọng, thường sẽ mất chi, chi còn lại cũng mất nhiều chức năng, để lại nhiều di chứng. Điều trị tại bệnh viện mới là điều trị bước đầu cho lành vết thương, sau khi xuất viện, bệnh nhân còn phải tập vật lý trị liệu, tái tạo vết thương để sau này bàn tay có được chức năng. Tổng thời gian điều trị phải tính bằng tháng, bằng năm tùy mức độ.

Qua công tác cấp cứu và điều trị, các bác sĩ nhận thấy hầu hết bệnh nhân nhập viện do pháo nổ là nam giới, độ tuổi từ 10-18, nhiều nhất là từ 12-16 tuổi. Đây là độ tuổi mà các em rất tò mò, muốn làm một điều gì đó để chứng tỏ bản thân. Nếu một em đã chế tạo được pháo sẽ đi khoe “chiến tích” với bạn bè, chỉ nhau cách mua đồ chế tạo pháo rồi về nhà tự chế pháo.

Một điều đáng lo ngại nữa là hiện nay có thể mua các đồ chế pháo rất dễ dàng trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “Đam mê chế pháo nổ” trên mạng xã hội Facebook lập tức hiện lên rất nhiều nhóm kín, nhóm công khai khác nhau.

Bác sĩ Khương khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường cần chỉ bảo các con về tác hại của chơi pháo nổ. Đồng thời theo dõi sát sao con để tránh những hậu quả đáng tiếc do chế tạo pháo, chơi pháo nổ.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...