Cụ thể như vi phạm quy định về cửa và vạch cảnh báo an toàn. Nguyên nhân là hành khách đứng chặn cửa tàu để chờ người thân lên xuống, gây nguy hiểm. Nhiều người chưa nắm rõ là thời gian mở và đóng cửa tàu chỉ trong 30 giây, dẫn đến cố gắng lao ra khi cửa đang đóng.
Ngoài ra, còn có trường hợp hành khách mang đồ ăn, thức uống vào khu vực thu phí, không tuân thủ nội quy dù đã được nhắc nhở. Một số người mang theo thú cưng trong ba lô nhưng lại thả ra khi lên ke ga, gây ảnh hưởng đến không gian chung.
Có trường hợp hành khách chồm ra ngoài cửa EWD (cửa chỉ để nhân viên nhà ga sử dụng trong tình huống khẩn cấp) để chụp hình, không tuân thủ nhắc nhở của nhân viên và tiếp tục di chuyển đến các vị trí khác để chụp ảnh. Một số người sử dụng chân máy ảnh trong nhà ga và trên tàu, gây cản trở cho hành khách khác. Chưa kể số ít trường hợp cởi bỏ trang phục, tạo dáng thiếu thuần phong mỹ tục khi chụp ảnh. Trong khi đó, nhân viên của nhà ga tập trung phục vụ hành khách, không đủ để nhanh chóng ngăn cản khi có tình huống này…
Gặp các trường hợp vi phạm quy định, nhân viên nhà ga thường xuyên thực hiện các biện pháp nhắc nhở và giải thích nhẹ nhàng để hành khách hiểu và tuân thủ nội quy. Do metro mới vận hành, nhiều người chưa quen với các quy định nên nhân viên nhà ga chú trọng hướng dẫn và giải thích rõ ràng nhằm xây dựng văn hóa đi tàu an toàn và văn minh.
Theo bà Văn Thị Hữu Tâm, từ ngày 6.1, đơn vị bắt đầu bố trí 2 nhân viên bảo vệ trên mỗi tàu để nhắc nhở hành khách, hạn chế và ngăn ngừa các hành vi không đúng. Nhân viên nhà ga liên tục nhắc nhở, hướng dẫn hành khách từ khi vào ga cho đến khi lên tàu để họ nắm rõ các quy định. Ngoài ra, các tình nguyện viên có mặt trên tàu để hỗ trợ nhắc nhở, hướng dẫn hành khách, đảm bảo mọi người tuân thủ nội quy, tạo ra môi trường di chuyển an toàn, văn minh.
"Tùy tiện như ở nhà"
"Tôi mới đi thử một chuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, phải nói là rất thích, nhanh chóng và hiện đại. Nhân viên rất lịch sự và thân thiện dù người đi đông đúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều thấy rất cần phải nói ra, đó là văn hóa giao thông nói chung, văn hóa khi đi metro nói riêng. Phương tiện, công nghệ thì hiện đại, nhưng những thói quen xấu từ lâu của nhiều người cũng "theo" vào nhà ga, lên toa tàu. Ví dụ như chen lấn khi xếp hàng, lên và xuống toa tàu… Chuyện văn hóa xếp hàng xem ra còn phải học nhiều lắm, nếu như không có nhân viên, bảo vệ… thì ôi thôi", bạn đọc (BĐ) The Minh cho biết.
Cùng quan điểm, BĐ Hoàng Hà nói thêm: "Có người mang đồ ăn vào nhà ga, rồi cả nhà quây lại ngồi bệt xuống sàn mà ăn cứ như ở nhà của mình. Có người đứng trong toa metro, tay trái thì nắm tay nắm treo giữ thăng bằng, tay phải thì cầm trái bắp ăn ngon lành. Nhiều người nhìn thấy quá ngại, nhưng chị này vẫn "thản nhiên như cô tiên" mà ăn".
"Lại có anh trên toa tàu mà nói chuyện điện thoại mở loa ngoài, khiến cả toa cùng nghe, ồn ào không chịu được. Có em thì chơi game trên điện thoại, loa mở cực đại, có người nhắc "mở nhỏ thôi" thì quay sang lườm một cái… Những cái này là phép lịch sự tối thiểu phải biết rồi, đâu cần ai nhắc, vậy mà vẫn gặp phải", BĐ Hung Anh ngán ngẩm.
Văn hóa metro
"Trên báo chí cũng nói nhiều về văn hóa giao thông, theo tôi đúng là cần phải xây dựng cho được văn hóa giao thông. Tự dưng tôi nghĩ tại sao khi đưa tuyến metro số 1 của TP.HCM vào vận hành, chúng ta không nhân đó mà lấy làm khởi đầu cho xu hướng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại ở đô thị? Văn hóa khi đi metro, tại sao không? Làm sao để những người đi metro - loại phương tiện giao thông công cộng mới ở nước ta - có cách ứng xử lịch sự, văn minh và hiện đại? Để từ đây nhân rộng ra văn hóa khi đi xe buýt, đi xe khách… và lớn hơn là văn hóa giao thông nói chung", BĐ Phu Cuong chia sẻ.
Đồng ý kiến, BĐ Xuan Bach góp ý: "Hãy đề ra những quy định ngắn gọn và dễ nhớ để mọi người cùng thực hiện. Và phải phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, như bên Singapore, Nhật Bản thì mới xây dựng được văn hóa đi metro văn minh, hiện đại, cũng như giữ cho môi trường luôn xanh sạch đẹp".
BĐ Tiến Bộ thì cho rằng: "Theo tôi, cần đưa vào nhà trường, dạy cho học sinh từ mầm non trở lên, với nhiều hình thức dạy học hấp dẫn, thiết thực. Để ngay từ nhỏ, các em đã tiếp cận với văn hóa giao thông, khi lớn lên thì càng ý thức hơn".
Ở Nhật có cả quy định không được phép nói chuyện điện thoại trong toa tàu metro, chỉ được nhắn tin khi cần thiết.
Quoc Chau
Hy vọng sẽ có nhiều tuyến metro hơn nữa trong tương lai gần, lúc đó hình thành thói quen tham gia giao thông công cộng... giảm tình trạng kẹt xe và ô nhiễm cho thành phố.
D&T