Chương trình Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản tỏa sáng (do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thực hiện, tổng đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt - hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, dưới sự chỉ đạo nội dung và nghệ thuật của Ban giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) nhằm tổng kết những thành tựu đạt được trong 10 năm qua; tiếp tục lộ trình bảo tồn và phát triển giá trị đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM, đồng thời vinh danh các tổ chức, cá nhân đã đóng góp tích cực cho loại hình nghệ thuật này.
Trong đời sống hiện nay, tại không gian đô thị sông nước, đờn ca tài tử Nam bộ cũng không ngừng đồng hành với quá trình phát triển vươn lên của thành phố mang tên Bác. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, TP.HCM vẫn là vùng đất lành hội tụ nhân tài, một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào đờn ca tài tử, với nhiều dạng thức sinh hoạt phong phú, đa dạng; với nhiều ngón đờn tài hoa, những giọng ca điêu luyện mang dấu ấn riêng, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đặc trưng cho một đô thị đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Cùng với các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam, những năm qua, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động có chất lượng và hiệu quả, góp tâm sức cùng 21 tỉnh thành (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) minh chứng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ luôn lắng sâu trong tâm thức văn hóa cộng đồng, có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước.
Một trong những hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn thành phố thời gian qua là Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ - TP.HCM - Giải “Hoa sen vàng” được duy trì tổ chức định kỳ. Qua liên hoan, Ban tổ chức cho biết nhiều nhân tố mới được phát hiện và bồi dưỡng, các thế hệ kế thừa đang được trau dồi kiến thức và kỹ năng thể hiện tiếp nối truyền thống. Qua nhiều năm tổ chức thành công, liên hoan đã định hình thành nét văn hóa đặc trưng của TP.HCM.
Đờn ca tài tử hôm nay không chỉ bảo tồn và phát huy ở những vùng nông thôn mà còn được lưu giữ cả trong môi trường đô thị hiện đại, như TP.HCM. Loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, độc đáo này vẫn có sức sống bền vững và lan tỏa thăng hoa tại thành phố. Đờn ca tài tử Nam bộ ngự trị ở mọi không gian sống, từ làng quê, cánh đồng đến nhà máy, công trường… và những không gian sinh hoạt cộng đồng khác như: trường học, khu du lịch sinh thái, lễ hội….
Giai điệu đờn ca tài tử trở thành ngôn ngữ giao tiếp văn hóa của người dân trong nước, đặc biệt là du khách quốc tế. Loại hình nghệ thuật này cũng là sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của TP.HCM, góp phần tăng cường quảng bá thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, làm phong phú hơn cho bức tranh tổng hòa của sự phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại chương trình kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vùng Nam bộ vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, lãnh đạo TP.HCM khẳng định, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kêu gọi sự tham gia ủng hộ hơn nữa của các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể nhân dân thành phố cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, để nghệ thuật này mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Việc chương trình Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng được tổ chức phục vụ đông đảo nhân dân và du khách tối 8.12 cũng là hoạt động thiết thực trong hành trình gìn giữ, lan tỏa sức sống của loại hình nghệ thuật này.
Dưới đây là một số hình ảnh trong đêm diễn: