Đầu những năm 2000, đời sống người dân chỉ dựa vào nông nghiệp, cơ hội việc làm gần như không có nên hầu hết những người trẻ thường dứt áo ra đi để tìm kiếm cơ hội, mong muốn thay đổi cuộc sống. Và Đông Nam bộ là điểm đến cho những cuộc dừng chân ấy.
Tôi cũng là một trong số rất nhiều người ở quê ngậm ngùi bỏ xứ ra đi tìm cơ hội mới, nhưng nơi tôi đặt chân đến lần đầu tiên không phải là mảnh đất Đông Nam bộ mà tận vùng đất mũi Cà Mau. Thuở ấy, anh trai tôi đang là giáo viên cấp 2 trên địa bàn một huyện của tỉnh này, thấy thuận lợi nên dắt díu tôi vào mong được trở thành "người nhà nước" để thỏa lòng mong ước của cha mẹ.
Tưởng rằng học xong lớp trung cấp sẽ cùng anh trai an cư tại đây, nhưng đầu năm 2005, anh tôi chuyển công tác về quê hương, tôi đành tạm biệt nơi này để đến với một vùng đất mới còn hoang sơ, đó là tỉnh Bình Phước.
Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên đặt chân đến đây, tôi ngồi ngay ngã 3 Hùng Vương chờ người chị họ ra đón. Cuộc sống phố thị không quá náo nhiệt, tôi cũng không nhìn thấy khu công nghiệp nào. Quãng đường về nhà chị chừng 6 cây số, đi qua con đường đất đỏ bụi mù và vườn cây cao su rợp bóng mát, không hiểu sao lúc đó tôi lại có cảm giác rờn rợn vì nơi đây âm u không một bóng người, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây cao su bằng mắt thường, và tôi chợt hiểu ra câu nói của Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên khi ông kể về đứa con trai đi làm đồn điền cao su "cao su đi dễ khó về" là như vậy.
Khoảng thời gian sau đó tôi sống cùng gia đình người chị họ. Nhà chị nằm sâu trong con đường đất đỏ mà hễ trời mưa to là chúng tôi toàn vồ ếch. Xung quanh hàng xóm là người từ khắp nơi đến an cư, họ đến sớm nên khai hoang được nhiều đất. Hầu như nhà ai cũng có vài mẫu cao su hoặc điều, chị tôi đến sau họ không còn cơ hội khai hoang nhưng thời ấy đất đai rẻ cộng với số vốn có sẵn nên cũng dễ dàng mua được 3 mẫu cà phê và mấy sào đất ở.
Có lẽ tuổi thanh xuân tươi đẹp của tôi gắn liền với nương rẫy thay vì đồng ruộng như những người bạn ở quê. Rẫy cà phê cách nhà chị chừng 12 km, để vào được đến nơi, chúng tôi phải đi tắt bằng con đường mòn bên trong rừng cao su bạt ngàn. Sợ nhất là những hôm về gặp trời mưa gió, cành cao su gãy rụng vương vãi khắp lối đi, đường trơn trượt, ngồi sau xe tôi bặm môi thật chặt, đôi lúc nín thở mong qua được đoạn hiểm nguy. Thế nhưng có lúc cũng không tránh khỏi những tai nạn nhỏ, chiếc xe trượt ngã, tôi bị cây đâm rách chân, máu tứa ra, mặt tôi tái mét vì sợ hãi. Sau bận ấy, mỗi lần đi qua đây tôi đều xuống xe đi bộ để đảm bảo an toàn.
Sang đến mùa khô, tầm tháng 12, cũng là lúc cà phê bắt đầu thu hoạch, đây có lẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, chị tôi thuê 5, 6 người hái, tiếng cười nói í ới của những người lao động phần nào xua tan đi cái vắng lặng ngày thường. Giờ nghỉ trưa, tôi hay rủ các anh chị săn lùng các loại trái cây có sẵn trong rẫy, chôm chôm chưa kịp chín đã bị chúng tôi vặt ăn tại gốc, mùi sầu riêng từ xa khiến tôi nuốt nước miếng ừng ực, một quả nhỏ chia ra mỗi người chừng nửa múi chấm mút lại càng kích thích sự thèm thuồng. Khi không còn gì ăn, chúng tôi lại tìm hái mấy quả cóc xanh non chấm muối ớt, chẳng nhớ lúc ấy có vị gì nhưng tôi vẫn thấy ngon khó cưỡng.
Rẫy nhà chị tôi chủ yếu trồng cà phê, có xen lẫn ít cây điều, cuối năm thu xong cà phê thì ra tết chuyển sang thu điều. Nhìn những quả điều vàng ươm, chín mọng nước cứ lủng lẳng trên cành khiến chúng tôi càng thêm kích thích, chỉ cần qua đêm mai chúng sẽ rụng đầy gốc, tha hồ nhặt. Nhưng tôi vẫn thích cầm chiếc cây dài có sẵn mấu, ngoắc vào cành rung là điều rơi lộp bộp như cơn mưa rào. Nhặt chán rồi, chúng tôi chuyển sang ăn trái điều. 5, 6 cái đầu chúm chụm lại chọn những quả căng tròn nhất, xoa vào áo cho sạch rồi xé ăn ngấu nghiến, một chút vị chua, chát hòa vào nhau cứ đọng lại nơi khóe lưỡi.
Mấy năm sau, chị tôi bán rẫy chuyển sang kinh doanh nhà trọ, kể từ đó tôi không còn cơ hội vào lại lần nào nữa.
Với những ai từng sống nơi đây, không khó nhận ra sự thay đổi từng ngày của mảnh đất này. Đồng Xoài nơi tôi ở đến nay đang dần thay áo mới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được xây mới 9 tầng và mở rộng hơn, vườn cao su lần đầu tiên tôi đi qua đã không còn mà thay bằng khu đô thị The Gold City với hàng loạt nhà cao tầng, quán ăn, khu vui chơi, siêu thị, sân bóng... Các khu công nghiệp mọc lên nhiều hơn, con đường vào nhà chị tôi đã được rải nhựa rộng rãi, sáng loáng, ở khu vực này tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy được con đường đất đỏ bết dính năm xưa.
Từ một vùng đất còn hoang sơ, đến nay nền kinh tế Bình Phước đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng với các tỉnh khác trong khu vực, mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho biết bao con người đến từ những miền quê khác nhau, trong đó có tôi. Khoảng thời gian 17 năm sống tại đây, tôi có cơ hội được trở thành "người nhà nước", gặp gỡ được những người bạn từ khắp nơi, dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung duy nhất là xa quê hương nên tình cảm cũng vì vậy mà trở nên thân thiết hơn.
Dù rằng bây giờ không còn sống ở đây, nhưng trong lòng tôi Bình Phước là quê hương thứ hai của mình, nơi chất chứa đầy kỷ niệm của tuổi thanh xuân bên nương rẫy. Yêu biết mấy rừng cao su thẳng tắp bạt ngàn hai bên đường tựa như gà mẹ dang rộng đôi cánh che chở cho đàn con thơ, yêu sao những chùm quả cà phê chi chít chín mọng đỏ thẫm, những trái điều lủng lẳng vàng hay đỏ căng tròn nhẵn... Tất cả đã tạo nên một Bình Phước rất đặc trưng mà mỗi khi nhắc đến nơi đây khiến lòng tôi càng thêm lưu luyến và xen lẫn tự hào.
Cảm ơn mảnh đất màu mỡ đã cho tôi những cơ hội mới, cơ duyên gặp gỡ con người mới mà ở đó người với người sống là để yêu thương nhau.