Những lý do đằng sau xu hướng trên có thể kể đến những bất tiện như thiếu nơi đỗ xe, khuôn viên cũ chật chội và chi phí kinh doanh cao, theo báo điện tử San José Spotlight dẫn lời bà Alanna Hua-Yamada, đại diện siêu thị Đại-Thành.
Mở cửa từ năm 1985, Đại-Thành là cơ sở kinh doanh của một gia đình gốc Việt. Sau 37 năm hoạt động trên đường South Second thuộc khu trung tâm thành phố, siêu thị đã đóng cửa và hồi tháng 1 khai trương cửa hàng mới tại khu Berryessa, phía bắc thành phố.
Sự rời đi của siêu thị Đại-Thành phản ánh tình trạng chung của khu trung tâm San Jose, khi mà các cửa hàng rau quả ngày càng trở nên hiếm hoi và cách xa nhau. Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ ghi nhận hiện có hơn 100.000 người Việt ở thành phố San Jose.
Hiện nay, siêu thị Thiên Thanh nằm trong số vài chợ cuối cùng của người Việt ở trung tâm San Jose. Giữa lúc lạm phát gia tăng và chi phí thuê lao động cao, những chủ doanh nghiệp nhỏ chật vật tìm cách tiếp cận các khoản hỗ trợ của chính phủ theo chính sách trợ giúp thời Covid-19 và tiếp tục đối mặt quy trình cấp phép kinh doanh chậm chạp của thành phố cũng như chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Một nhân viên giấu tên tiết lộ siêu thị Thiên Thanh và những cơ sở kinh doanh khác ở trung tâm thành phố đang chật vật duy trì hoạt động. Siêu thị Việt này mở cửa từ năm 1989, và hiện chưa thể phục hồi việc kinh doanh sau thời gian dịch. Chợ cũng đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những tên tuổi bán lẻ lớn như Walmart và Costco. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chi tiêu ít hơn trước cho bữa ăn gia đình vì chi phí sinh hoạt quá nhiều, trong khi giá cả mọi thứ tăng vọt.
Bà Hua-Yamada cho biết các chợ Việt vẫn mở cửa gần khu trung tâm, nhưng khuôn viên kinh doanh phải được thu nhỏ để giảm tiền thuê và chuyển sang cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng hơn nếu muốn thu hút các khách hàng trẻ tuổi lẫn cao niên.