Đó là nội dung được đưa ra tại Đại hội Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra sáng ngày 16/4/2024. Theo đó, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có hơn 15.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Bằng sự chủ động đổi mới, khát vọng vươn lên, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, đại đa số không sử dụng đội ngũ nhân viên phụ trách pháp chế riêng nên việc tổ chức công tác pháp chế còn hạn chế; chưa thường xuyên cập nhật các thông tin và chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chưa kịp thời phát hiện những bất cập, đưa ra kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong quá trình hoạt động, khi có các vấn đề pháp lý phát sinh, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc giải quyết, dẫn đến tranh chấp không đáng có làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Thủy cho biết, bộ phận pháp chế doanh nghiệp có vai trò quan trọng đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật; từ đó, giảm thiểu mọi rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; giúp lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật để có quyết định đúng đắn về chiến lược kinh doanh.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở đó, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp được các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mục đích hoạt động là hỗ trợ về pháp lý cho thành viên thông qua việc giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; thu thập ý kiến của các thành viên để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hoàn thiện pháp luật; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh, công tác pháp chế; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý cho các thành viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 03 tổ chức hội viên tập thể, là Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, cùng 9 Hội doanh nghiệp huyện, thành phố và 03 Câu lạc bộ trực thuộc với hơn 1200 hội viên. Cùng với các CLB: Nhân sự, Kế toán kiểm toán, Xuất nhập khẩu đang hoạt động rất hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp sẽ là cánh tay nối dài của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách pháp luật đến doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp; đặc biệt sẽ là kênh tham vấn ý kiến trực tiếp đối với những chính sách có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trước khi được ban hành.
Đại hội cũng đã thông qua điều lệ Câu lạc bộ, bầu Ban chủ nhiệm, Ban giám sát. Ông Tạ Ngọc Toàn, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại Đại hội, ông Tạ Ngọc Toàn cho biết, với vai trò là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các hoạt động của Câu lạc bộ được kỳ vọng phần nào đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Thông qua các hoạt động thường xuyên, Câu lạc bộ có thể nói lên tiếng nói của mình, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, thực thi những chính sách pháp luật phù hợp, có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Để phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và vai trò là cầu nối cho doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm nâng cao vai trò là người đại diện và cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước; đào tạo hợp tác, liên kết giữa các thành viên để giúp nhau cùng phát triển; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp....