Thương hiệu có cần tạo linh vật riêng?
Thương hiệu có hai con đường để sử dụng linh vật. Một là xây dựng một linh vật hoàn toàn mới, hai là mua bản quyền sử dụng nhân vật đã có.
Với công ty muốn toàn quyền kiểm soát linh vật và xây dựng chiến lược dài hạn, họ nên đầu tư một linh vật riêng. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng. Các công ty phải kiên nhẫn, bởi cái gì cũng cần thời gian để nổi tiếng.
Một số doanh nghiệp không đặt nhiều tài nguyên đầu tư và linh vật, làm nhanh 1 thiết kế nhân vật đại diện, rồi kỳ vọng nó sẽ sống dài lâu, kỳ vọng nó làm nhân vật đồng hành cho doanh nghiệp của mình. Cách làm này rất khó thành công. Có thể lấy ví dụ như Mì tôm thanh long một thời tạo sốt trên mạng xã hội nhưng nếu doanh nghiệp không đầu tư công sức và tiền, làm nội dung duy trì tiếp thì người ta chỉ nhớ về nó là sự kết hợp vui vui, mới mẻ, dễ trôi đi và khó có điểm cảm xúc lâu bền. Và thực tế là mì tôm thanh long đến giờ coi như đã xẹp hẳn.
Một con đường khác, với công ty muốn đạt hiệu quả tiếp thị ngay lập tức, họ có thể mua bản quyền/xin cấp phép sử dụng các nhân vật hiện có để khai thác độ nổi tiếng có sẵn của nhân vật.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng các nhân vật nổi tiếng như James Bond, Shrek, Chuột Mickey hoặc Batman sẽ thu hút sự chú ý của công chúng tốt hơn các linh vật thương hiệu mới được “sinh ra đời”.
Việc sử dụng nhân vật có sẵn sẽ có tác động ngay lập tức. Vậy nên mua bản quyền là lối tắt hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo một bài báo của VTV, tại Việt Nam, phim hoạt hình chiếm khoảng 10-15% doanh thu của ngành điện ảnh. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam năm 2023, có khoảng 20 bộ phim hoạt hình được chiếu, đạt tổng doanh thu hơn 570 tỷ đồng, tương đương 23 triệu USD. Điều này mở ra thị trường thương mại đầy tiềm năng là mảng cấp quyền sử dụng tài sản trí tuệ.
Nhiều nhãn hàng ở Việt Nam đang khai thác hình ảnh của những Mickey, Superman, Disney Princess, Hello Kitty, Angry Birds, v.v.. Tất cả những nhãn hiệu tiên phong trong ứng dụng và duy trì khai thác bản quyền nhân vật hoạt hình đã chứng minh tính phù hợp và đón nhận của thị trường Việt Nam với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, cũng như tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số nhà sản xuất phim hoạt hình Việt Nam cũng tỏ ra nhạy bén khi liên tục phát triển những nhân vật mới, mở ra cơ hội cho việc cấp quyền sử dụng hình ảnh nhân vật để nhanh chóng tạo độ phủ nhận diện thương hiệu nhân vật đa lĩnh vực và cộng hưởng thúc đẩy kinh doanh của các bên liên quan.
Linh vật chạy bằng AI?
Giống như mọi lĩnh vực khác, AI đang đem đến những đổi mới chưa từng có cho linh vật thương hiệu. Chẳng hạn linh vật được tích hợp AI để tạo nên tương tác và trải nghiệm cá nhân hóa.
Tại Anh, thương hiệu Virgin Media O2 đã nâng cấp linh vật Bubl của mình với một mô hình AI tạo sinh có tên Bubl Generator. Với mô hình này, đội tiếp thị có thể tạo ra các hình ảnh Bubl khác nhau để phù hợp cho từng mục đích tiếp thị.
Với sự phát triển không ngừng, AI có thể mở ra tương lai, nơi mà các linh vật có thể “tiến hóa” để đáp ứng nhu cầu cho nhiều phân khúc người tiêu dùng khác nhau.
Ví dụ như viễn cảnh linh vật Michelin Man có thể sử dụng AI để tùy chỉnh cuộc trò chuyện với các tài xế dựa trên thói quen lái xe; hay Ronald McDonald trở thành trợ lý ảo giúp trẻ em làm bài tập về nhà. Năm ngoái, Bobo Studio ở Việt Nam cũng thử nghiệm ca sĩ ảo Ann, tương lai có thể làm đại diện cho thương hiệu.
Một điều quan trọng khi sử dụng AI trong linh vật là phải làm cho linh vật có tính tương tác và có khả năng điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân người tiêu dùng, nhưng vẫn phải giữ được cốt lõi trong việc kết nối cảm xúc. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI như hiện nay, việc linh vật AI có cảm xúc có vẻ như không còn là một tương lai quá xa vời.