Theo đó, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thái Bình với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas), PVGas đề xuất phương án cấp khí LNG cho Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình, hộ tiêu thụ công nghiệp tại địa bàn tỉnh trên cơ sở tận dụng đường ống hiện hữu của PVGas.
Đại diện PVGas cho biết, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư các dự án Kho cảng LNG quy mô lớn ở các khu vực kinh tế trọng điểm, phù hợp định hướng, mục tiêu của đất nước trong lĩnh vực LNG.
Tại Thái Bình, PVGas mong muốn lãnh đạo tỉnh Thái Bình ủng hộ, cho phép PV GAS là nhà phát triển hạ tầng cấp khí LNG cho các doanh nghiệp địa bàn tỉnh và Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Trong đó giai đoạn 1 triển khai ngay kho nổi FSRU đặt ngoài khơi, kết nối cấp khí vào đường ống Thái Bình hiện hữu. Giai đoạn 2 cấp khí từ kho LNG của PVGas tại Nam Định hoặc Hải Phòng, kết nối cấp khí vào đường ống Thái Bình hiện hữu.
Với phương án này, PVGas cho rằng việc vận chuyển khí sẽ tối ưu, cung cấp ổn định và lâu dài, giá cả cạnh tranh nhất hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy kinh tế của tỉnh Thái Bình phát triển mạnh mẽ. Nếu được triển khai, dự án sẽ có doanh thu dự kiến khoảng 1 tỷ USD/năm, đóng góp ngân sách cho tỉnh khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Ông Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho biết, việc PVGas nghiên cứu đầu tư tại Thái Bình là một chủ trương đúng, góp phần phát triển địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp lớn cho thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp xanh, zero carbon cũng như phát triển các dịch vụ khác... Về đề xuất của PVGas trong việc cung cấp khí cho Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình, tỉnh Thái Bình sẵn sàng là trung gian, kết nối giữa PVGas với nhà đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình. Cùng với chiến lược đầu tư ngắn hạn, tỉnh Thái Bình mong muốn PVGas hoạch định chiến lược mang tính dài hạn không chỉ bảo đảm nhu cầu cho tỉnh Thái Bình mà hướng đến toàn miền Bắc.
Cũng theo ông Ngô Đông Hải, PVGas cần nghiên cứu để đầu tư kho có quy mô lớn, bảo đảm các điều kiện, phương án mang tính lâu dài. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu phương án đầu tư của PVGas để tham mưu tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng giải quyết các khó khăn, bảo đảm cơ sở pháp lý để PVGas đầu tư tại tỉnh Thái Bình.
Được biết, tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 23 doanh nghiệp đang sử dụng khí để phục vụ sản xuất công nghiệp. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ khí của các doanh nghiệp đạt 62,8 triệu Sm3, dự kiến năm 2024 hơn 63 triệu Sm3 và năm 2025 hơn 69 triệu Sm3 khí. Như vậy, nhu cầu sử dụng khí đốt phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế của Thái Bình không ngừng tăng.
Tại quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Thái Bình được quy hoạch 1 nhà máy nhiệt điện LNG công suất 1.500MW công suất tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, bao gồm cả hạng mục kho nổi FSRU do liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Tokyo Gas, Tập đoàn Quốc tế Kyuden và Công ty Cổ phần Công nghiệp Trường Thành Việt Nam đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình là dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang phát triển mạnh công nghiệp, đã và đang hình thành nhiều KCN trọng điểm. Vì vậy, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên cho hoạt động sản xuất là rất lớn. Việc nghiên cứu, khảo sát để đầu tư xây dựng dự án kho LNG tại Thái Bình của PVGas là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ sản xuất của tỉnh. Vì vậy, đề nghị PVGas có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.