Thế giới không chờ chúng ta - Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh trong một hội nghị gần đây. Theo ông Bình, yếu tố thời gian cũng được đại diện một số doanh nghiệp lớn đề cập để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, công nghệ…) và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, đáp ứng một trong những mong muốn của các tập đoàn, đối tác lớn về bán dẫn trong các cuộc làm việc với doanh nghiệp Việt Nam chính là chìa khoá mở ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước nhu cầu cấp bách về nhân sự bán dẫn, thời gian gần đây, các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước, thậm chí là một số địa phương như Bắc Giang đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo gắn chặt với thực tiễn để tuyển sinh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Cơ chế đột phá và vượt trội cho đào tạo nhân lực bán dẫn

PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, từ thực tế đào tạo, PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề cập đến 5 thách thức trong quá trình đào tạo nhân lực vi mạch, bao gồm: nguồn tuyển; chương trình đào tạo mới và thay đổi liên tục; chỗ thực tập cho sinh viên; các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và startup. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên.

Với một Đại học Quốc gia quy mô lớn như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện tiến sĩ chuyên ngành về bán dẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo PGS.TS. Vũ Hải Quân, theo quy định hiện hành quota đào tạo được tính trên số lượng giảng viên nên thiếu giảng viên sẽ không thể mở ngành, hoặc nếu có mở ngành cũng chỉ tuyển ở quy mô rất nhỏ.

Lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội lại đề cập một số nội dung quan trọng khác cần có cơ chế, giải pháp để tháo gỡ. Đó là phải có sân chơi và đầu ra cho các sinh viên, có những thiết kế, sản phẩm của các em sinh viên trong các trung đổi mới sáng tạo để những sản phẩm mới có thể phát triển thành những hệ thống thông minh, những hạ tầng thông minh, từ đó có thể hình thành các doanh nghiệp.

Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này sẽ xuất phát từ đổi mới sáng tạo của sinh viên. Phải tạo sân chơi cho các em để tạo ra các sản phẩm, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các doanh nghiệp. Đây cũng là định hướng cần phải suy nghĩ.

Cơ chế đột phá và vượt trội cho đào tạo nhân lực bán dẫn

Các đại học lớn, cơ sở đào tạo mong muốn có cơ chế vượt trội và đột phá để tham gia đào tạo nhân sự ngành bán dẫn

Đặc biệt, lãnh đạo các Đại học lớn ở Việt Nam cùng chung quan điểm cho rằng, bán dẫn là lĩnh vực cần đầu tư lớn. Để tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, không thể coi trọng việc hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn và đẩy nhanh "phòng thí nghiệm dùng chung". Giải pháp này cũng góp phần giải quyết một số thách thức đặt ra nhằm thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn.

Theo PGS.TS. Vũ Hải Quân, phòng thí nghiệm hiện đại dùng chung không phải phục vụ đào đạo về bán dẫn mà cho tất cả các kỹ sư nhóm ngành khác có liên quan. Đây là mô hình hay. Tại Đại học Quốc gia Seoul có Trung tâm liên các trường đại học cũng tương tự như vậy và Chủ tịch tập đoàn Samsung cũng đã từng tốt nghiệp ở đây.

Theo ông Quân, để vận hành phòng thí nghiệm dùng chung, cần cơ chế có tính chất vượt trội. Trong đó, có một số nội dung chính hiện vẫn còn để ngỏ cần lời giải như nguồn vốn cho phòng thí nghiệm đó sẽ được huy động như thế nào; cơ chế tài chính, cơ chế chia sẻ nguồn lực dùng chung được xác định ra sao…